Toàn bộ thông tin và thắc mắc liên quan đến bằng tốt nghiệp đại học đã được LuatVietnam tổng hợp ngay tại bài viết này.
1. Bằng tốt nghiệp đại học là gì?
Khoản 2 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định, các loại văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
- Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở
- Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông
- Bằng tốt nghiệp trung cấp
- Bằng tốt nghiệp cao đẳng
- Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Theo đó, bằng tốt nghiệp đại học là cách gọi khác của bằng tốt nghiệp cử nhân. Theo đó có thể hiểu, bằng đại học là văn bằng do cơ sở giáo dục Đại học cấp cho người đã tốt nghiệp trình độ đại học.
Bằng tốt nghiệp đại học chia theo 05 ngành nghề:
- Bằng kỹ sư (bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật)
- Bằng kiến trúc sư (bằng tốt nghiệp đại học của ngành Kiến Trúc)
- Bằng bác sĩ, bằng dược sĩ (bằng tốt nghiệp đại học của ngành y dược)
- Bằng cử nhân (bằng tốt nghiệp đại học của các ngành khoa học cơ bản sư phạm, luật, kinh tế)
- Bằng tốt nghiệp đại học của các ngành còn lại.
2. Bằng tốt nghiệp đại học có xếp loại không?
Điều 2 Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT quy định về nội dung chính ghi trên bằng đại học như sau:
1. Tiêu đề:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương).
3. Ngành đào tạo.
4. Tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng.
5. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng.
6. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng.
7. Hạng tốt nghiệp (nếu có).
8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng.
9. Chức danh, chữ ký, họ, chữ đệm, tên của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;
10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.
Theo quy định trên, các trường thường sẽ ghi xếp loại của sinh viên trên bằng đại học.
3. Xếp loại bằng tốt nghiệp đại học thang điểm 4 như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông 08/2021/TT-BGDĐT, sinh viên được xếp loại bằng tốt nghiệp, học lực theo điểm trung bình tích lũy thang điểm 4 như sau.
3.1. Bằng tốt nghiệp loại xuất sắc
Sinh viên đạt điểm trung bình từ 3,6 đến 4,0.
3.2. Bằng tốt nghiệp loại giỏi
Sinh viên đạt điểm trung bình từ 3,2 đến cận 3,6.
3.3. Bằng tốt nghiệp loại khá
Sinh viên đạt điểm trung bình từ 2,5 đến cận 3,2.
3.4. Bằng tốt nghiệp trung bình
Sinh viên đạt điểm trung bình từ 2,0 đến cận 2,5.
4. Cách tính điểm xếp loại bằng tốt nghiệp đại học
4.1. Tính điểm học phần
Việc đánh giá và tính điểm học phần của sinh viên được quy định tại Điều 9 Thông tư 08 như sau:
Đối với mỗi học phần, sinh viên được đánh giá qua tối thiểu 02 điểm thành phần, đối với các học phần có khối lượng nhỏ hơn 02 tín chỉ có thể chỉ có một điểm đánh giá.
Các điểm thành phần được đánh giá theo thang 10. Phương pháp đánh giá, hình thức đánh giá và trọng số của mỗi điểm thành phần được quy định trong đề cương chi tiết của mỗi học phần.
Hình thức đánh giá trực tuyến được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần.
Sinh viên vắng mặt trong buổi thi, đánh giá không có lý do chính đáng thì nhận điểm 0. Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng được dự thi, đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.
Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân và xếp loại điểm chữ.
Loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập, bao gồm:
A: điểm từ 8,5 - 10,0;
B: điểm từ 7,0 - 8,4;
C: điểm từ 5,5 - 6,9;
D: điểm từ 4,0 - 5,4.
Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập là P: điểm từ 5,0 trở lên.
Loại không đạt là F: điểm dưới 4,0.
Một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập:
I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra;
X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu;
R: Điểm học phần được miễn học và công nhận tín chỉ.
4.2. Tính điểm trung bình học kỳ, cả năm
Cơ sở đào tạo theo tín chỉ
Theo Điều 10 Thông tư 08 năm 2021 của Bộ Giáo dục, kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kỳ hoặc sau từng năm học, dựa trên kết quả các học phần nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo mà sinh viên đã học và có điểm theo các tiêu chí sau đây:
- Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên không đạt trong một học kỳ, trong một năm học, hoặc nợ đọng từ đầu khoá học;
- Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên đã đạt từ đầu khóa học (số tín chỉ tích lũy), tính cả các học phần được miễn học, được công nhận tín chỉ;
- Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kỳ, trong một năm học hoặc tính từ đầu khóa học, tính theo điểm chính thức của học phần và trọng số là số tín chỉ của học phần đó.
Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số như dưới đây:
A quy đổi thành 4;
B quy đổi thành 3;
C quy đổi thành 2;
D quy đổi thành 1;
- F quy đổi thành 0.
Cơ sở đào tạo theo niên chế
Cơ sở đào tạo đang đào tạo theo niên chế và sử dụng thang điểm 10 thì tính các điểm trung bình dựa trên điểm học phần theo thang điểm 10, không quy đổi các điểm chữ về thang điểm 4.
Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy như sau:
Từ 9,0 đến 10,0: Xuất sắc;
Từ 8,0 đến cận 9,0: Giỏi;
Từ 7,0 đến cận 8,0: Khá;
Từ 5,0 đến cận 7,0: Trung bình;
Từ 4,0 đến cận 5,0: Yếu;
Dưới 4,0: Kém.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT
4.3. Tính điểm xếp loại bằng tốt nghiệp đại học
Bằng tốt nghiệp đại học tại các cơ sở đào tạo theo tín chỉ xếp loại theo điểm trung bình của tất cả các học kỳ sau khi đã quy đổi sang thang điểm 4; cơ sở đào tạo theo niên chế xếp loại theo điểm trung bình của tất cả các học kỳ theo thang điểm 10.
Tuy nhiên, theo Điều 14 Thông tư 08, hạng tốt nghiệp của sinh viên có điểm trung bình tích lũy loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Khối lượng của các học phần phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình;
Sinh viên đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.
5. Một số câu hỏi liên quan đến bằng tốt nghiệp đại học
5.1. Bằng tốt nghiệp đại học tạm thời là gì?
Bằng tốt nghiệp đại học tạm thời là văn bản cấp cho sinh viên đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp trong thời gian chờ cấp bằng tốt nghiệp bản chính.
Theo Điều 17 Quy chế quản lý văn bằng ban hành kèm Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT, thời hạn cấp bằng tốt nghiệp đại học là 30 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.
5.2. Lấy bằng tốt nghiệp đại học cần gì?
Các cơ sở đào tạo được tự quy định về yêu cầu khi đến nhận bằng tốt nghiệp đại học. Thông thường, sinh viên được lấy bằng trực tiếp tại phòng đào tạo vào các ngày trong tuần.
Thời gian lấy bằng thực hiện theo giờ làm việc của nhân viên, thường là:
Sáng: 08 giờ 30 - 11 giờ 30
Chiều: 14 giờ 00 - 16 giờ 30
Giấy tờ cần chuẩn bị trước khi đến:
Thẻ Căn cước công dân/hộ chiếu/chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng.
Phiếu nhận bằng tốt nghiệp có dán ảnh và đóng dấu nổi của Trường.
Hóa đơn nộp học phí kỳ cuối (nếu được yêu cầu)…
Lưu ý: Sinh viên không thể đến nhận Bằng tốt nghiệp nếu muốn nhờ người khác đến nhận bằng tốt nghiệp hộ thì phải làm giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật.
5.3. Công chứng bằng tốt nghiệp đại học ở đâu?
Công chứng bằng đại học là thuật ngữ được nhiều sử dụng để chỉ việc chứng thực bảo sao từ bản chính.
Công chứng bằng đại học thực chất là chứng thực bản sao bằng đại học từ bản chính, theo đó cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào bản chính bằng đại học để xác thực tính chính xác của bản sao.
Căn cứ Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính thuộc về:
Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
Tổ chức hành nghề công chứng gồm: Văn phòng công chứng và phòng công chứng.
Như vậy, việc chứng thực bằng đại học có thể được thực hiện tại Phòng Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp xã, Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng.
5.4. Xét bằng tốt nghiệp đại học như thế nào?
Điều 14 Thông tư 08 quy định về việc xét bằng tốt nghiệp đại học như sau:
- Sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện:
Tích lũy đủ học phần, tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;
Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ trung bình trở lên;
Tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.
Sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp được hiệu trưởng ra quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trong thời hạn 03 tháng tính từ thời điểm sinh viên đáp ứng đầy đủ điều kiện tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ với cơ sở đào tạo.
Hạng tốt nghiệp được xác định căn cứ vào điểm trung bình tích lũy toàn khoá.
Lưu ý: Hạng tốt nghiệp của sinh viên có điểm trung bình tích lũy loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Khối lượng của các học phần phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình;
Sinh viên đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.
Sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần Giáo dục quốc phòng-an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 03 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.
Sinh viên không tốt nghiệp được cấp chứng nhận về các học phần đã tích luỹ trong chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo.
5.5. Mất bằng tốt nghiệp đại học có xin cấp lại được không?
Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp đại học quy định nguyên tắc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ như sau:
Điều 2. Nguyên tắc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ
1. Văn bằng, chứng chỉ được quản lý thống nhất, thực hiện phân cấp quản lý cho các sở giáo dục và đào tạo, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này.
2. Văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 18 của Quy chế này.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
4. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Trong đó, Điều 18 của Quy chế này quy định bản chính bằng đại học chỉ được cấp lại trong trường hợp bằng đại học đã cấp nhưng phát hiện bị viết sai do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp bằng đại học.
Như vậy, khi mất bản chính bằng tốt nghiệp đại học, người học sẽ không được cấp lại.
5.6. Bằng tốt nghiệp đại học có ảnh không?
Theo Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp đại học ban hành kèm Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT, không có quy định bắt buộc phải có ảnh người học trên bằng tốt nghiệp đại học. Do đó, đa số các trường đại học đều không dán ảnh sinh viên trên bằng tốt nghiệp.
về bản chất, bằng đại học không phải là loại giấy tờ chứng minh nhân thân như Căn cước công dân hay hộ chiếu mà chỉ là văn bằng ghi nhận trình độ đào tạo của người học. Vì vậy, việc dán ảnh hay không cũng không quá quan trọng.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến bằng tốt nghiệp đại học. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.